CHUẨN BỊ TÂM LÍ SẴN SÀNG CHO TRẺ 5 - 6 TUỔI VÀO LỚP 1
Vào học lớp 1 là bước ngoặt, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ nên việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là vô cùng quan trọng.
Ở trường mầm non, trẻ tham gia các hoạt động giáo chủ yếu theo nhu cầu, hứng thú của bản thân dưới định hướng, dẫn dắt, động viên, khích lệ củacô giáo. Bước sang môi trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc, các em phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ của cả lớp. Ở lớp 1, học sinh phải đến lớp đúng giờ, thầy, cô giáo không có nhiều thời gian chăm bẵm từng em vì phải điều hành lớp học hoàn thành chương trình các môn học theo đúng tiến độ; phải đánh giá, nhận xét từng học sinh để có phương pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của từng tiết học, môn học cho tất cả các em học sinh trong lớp. Nói cách khác, chấp hành nội quy, quy định nhà trường, thiết lập quan hệ với giáo viên, hoàn thành các bài tập khi ở lớp, khi về nhà... đó là những khó khăn đối với trẻ khi bắt đầu đi học lớp 1. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 là rất cần thiết, giúp trẻ bước sang một giai đoạn mới bớt bỡ ngỡ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của bản thân. Đó là một trong nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non, của giáo viên dạy các lớp 5 tuổi. Thông qua, xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế các HĐGD theo hướng “học bằng chơi, chơi mà học” giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội và có tâm lý vững tin sẵn sàng bước vào lớp1, trẻ phải có kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bảo vệ bản thân. Thông qua các HĐGD, trẻ 5 tuổi ở trường mầm non phải được trang bị các kiến thức cơ bản, hiểu biết về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, định hướng về không gian, thời gian, các hiện tượng tự nhiên...; có các kĩ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết: so sánh, phân tích, tổng hợp,… Đó chính là hành trang, là vốn hiểu biết rất cần thiết để trẻ bước vào lớp 1 tự tin và vững vàng. Đối với trẻ 5 tuổi để giúp ích cho việc học tốt môn tiếng Việt ở lớp 1, giáo viên cần tổ chức các hoạt động nghe - nói như cho trẻ phát âm các chữ cái, nghe và hiểu nghĩa của từ, thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho việc đọc - viết bằng cách cho trẻ tiếp xúc với chữ viết trong môi trường xung quanh, nhận dạng và phát âm các chữ cái, tô chữ cái, từ; xem và nghe đọc các loại sách cũng rất quan trọng. Cho trẻ làm quen với cách đọc, hướng đọc (đọc từ phải sang trái, từ dòng trên xuống dòng dưới) thông qua “đọc” truyện qua các tranh vẽ, nghe cô giáo đọc diễn cảm… Cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách. Trẻ nhận ra các từ mới trong truyện, mong muốn được đọc truyện. Thông qua việc đọc sách, trẻ khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu từ và chữ.
Giáo viên tổ chức các hoạt động tập tô, tập vẽ giúp trẻ làm quen với các nét cơ bản của chữ viết tiếng Việt và biết cách đưa nét tạo thành chữ viết. Chơi các trò chơi luyện ngón tay nhằm rèn luyện vận động của các cơ nhỏ và sự khéo léo của các ngón tay, sự phối hợp tay, mắt.
Việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là cả một quá trình; là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường và gia đình, song hình thức phải phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý trẻ để trẻ bước vào lớp 1 một cách tự nhiên, vui vẻ và háo hức.