Những cô nuôi dạy trẻ can trường

Thứ tư - 25/03/2020 15:01
Cõng con nhỏ trên lưng, dắt theo con lớn. Trên vai đeo theo chiếc túi đựng những thứ tối giản nhất cho các con để đi bộ 8km đường dốc núi quanh co đến điểm lẻ Trường mầm non Tà Vầy Sủ (huyện Xín Mần, Hà Giang).
1
1

Cõng con nhỏ trên lưng, dắt theo con lớn. Trên vai đeo theo chiếc túi đựng những thứ tối giản nhất cho các con để đi bộ 8km đường dốc núi quanh co đến điểm lẻ Trường mầm non Tà Vầy Sủ (huyện Xín Mần, Hà Giang).

 

Cô trò Trường mẫu giáo Hoa Pơ Lang (Đắk Nông) trong giờ học - Ảnh: TRUNG TÂN

Đó là hình ảnh cô giáo mầm non Hoàng Thị Chá khiến nhiều người ở buổi lễ "Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình cấp học mầm non" do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 16-1 rưng rưng.

Không có điện, thiếu nước sạch

"Bước vào nghề với nhiều hi vọng vào tương lai đẹp đẽ, tôi được giao lớp mầm non lần đầu tiên mở tại thôn khó khăn nhất của huyện Xín Mần. Ở đó không có điện, cũng không có sóng điện thoại. Lớp học mượn của một nhà dân, vách đất, mái lợp cỏ.

Ngày khô thì ngồi học được, ngày mưa cô trò phải nghỉ. Phụ huynh chưa quen với việc đi học của con, nên việc vận động trẻ đến lớp là điều rất khó khăn. Buổi dạy học đầu tiên của tôi chỉ có ba học sinh" - cô Hoàng Thị Chá kể.

Nhà cách điểm trường 25km, nên cô Chá phải chuyển đến điểm trường chính ở. Từ đây lên điểm lẻ chỉ 8km. "Đường đi rất khó khăn vì phải đi bộ leo núi, xuống dốc. Những ngày mưa đường rất trơn. Nhưng điều ám ảnh nhất là những tảng đá lăn bất ngờ.

Trước tôi đã có giáo viên bỏ mạng trên đường đến điểm trường, nên tôi rất sợ. Nhưng tôi muốn gắn bó với nghề đã chọn. Và sau này, điều giữ tôi lâu với nghề chính là những đứa trẻ ở thôn bản khó khăn ấy. Cứ sáng sớm là ba mẹ con tôi lên đường, đi khoảng 3 tiếng mới tới nơi dạy học" - cô Chá chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề buổi tôn vinh.

Còn cô giáo Đinh Thị Huyền Trang - giáo viên ở điểm trường mầm non khó khăn nhất huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - cũng kể ngày đầu nhận lớp ở nơi khó khăn này cô đang mang bầu 23 tuần.

Ở nơi thiếu thốn vật chất đủ thứ, thiếu nước sạch, không có điện, điện thoại, điều kiện để chăm sóc sức khỏe thai sản không đảm bảo nên cô sinh con thiếu tháng. Cháu bé sinh nặng 2kg. Nhưng thời gian được "ưu tiên nuôi con nhỏ" không bao lâu, cô phải ôm con đến lớp.

"Một balô khoác trên lưng có vài lon gạo, chút mắm, ít đồ dùng cho con, tay ôm con, tôi cứ đi về như thế để bám lớp" - cô Huyền Trang kể lại.

Những cô giáo mầm non vùng nông thôn, khó khăn mang con đến lớp trên chặng đường khó nhọc như thế rất nhiều. Tới lớp rồi, phải đôn đáo lo cho các trẻ khác ổn định rồi mới lo cho con mình ăn. Những đứa bé đến trường cùng mẹ đều ngoan, như "hiểu hoàn cảnh" của mình để cùng mẹ hoàn thành nhiệm vụ.

Tâm huyết mới vượt khó

Ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT - chia sẻ mầm non là bậc học rất nhạy cảm. Giáo viên mầm non vất vả, áp lực và cũng rủi ro rình rập khi rất nhiều điều có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì thế "vượt khó" là điều đã được nhắc đến trong các lần tôn vinh giáo viên điển hình.

Nhưng trong buổi lễ tôn vinh lần này, ông muốn nhấn mạnh đến một "từ khóa" khác là "tâm huyết". Bởi có tâm huyết thì mới vượt khó, mới có động lực để sáng tạo, đổi mới.

Tại buổi lễ tôn vinh, bên cạnh những câu chuyện vượt qua khó khăn để làm nghề là những trăn trở của các cô giáo, các cán bộ quản lý. Có một điểm chung trong câu chuyện của nhiều cô giáo là việc thiếu thốn chỗ vui chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ. Nếu không có sự tâm huyết, tìm tòi sáng tạo của các cô giáo và tập thể sư phạm nhiều trường mầm non thì sẽ không có nhiều lớp mầm non vùng khó đủ hấp dẫn, tin cậy để cha mẹ đưa con đến trường.

Cô Lý Thị Mai (dân tộc Tày) nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Trường mầm non Húc Động (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), nơi chỉ cách biên giới Việt - Trung 20km, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Cô Mai cho biết hầu hết trẻ có hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trường vùng khó đương nhiên là rất nhiều khó khăn. Trường chỉ có một khu vui chơi ngoài trời. Cha mẹ học sinh ít quan tâm tới việc cho con học mầm non. Nhiều người cho con tới trường chỉ vì mục đích duy nhất là được nhận hỗ trợ chính sách.

"Nhưng điều khiến tôi trăn trở nhất là sự hạn chế khả năng nghe nói tiếng Việt của các cháu bé. Ở nhà bố mẹ các cháu không nói tiếng Việt với con mà dùng tiếng địa phương, giao tiếp bằng tiếng Việt của các bé rất ít. Trong khi muốn hoàn thành mục tiêu giáo dục thì trước nhất phải tăng cường khả năng tiếng Việt và làm sao để kéo phụ huynh đồng hành cùng trường trong mọi hoạt động" - cô Mai chia sẻ kinh nghiệm.

Trường mầm non Húc Động đã phác thảo cả một kế hoạch bài bản để thay đổi ngôi trường, từ việc bổ sung đồ chơi, đồ dùng dạy học tự làm đến việc tận dụng các điều kiện hiện có, những vật dụng từ cuộc sống xung quanh để dạy học và bổ sung dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ.

"Từ chỗ không nhiệt tình, cho rằng việc giáo dục là việc của trường, nhiều phụ huynh đã thay đổi. Họ giúp các cô giáo nhặt từng viên đá ngoài suối đến góp bắp ngô, mớ rau, củ lạc. Tất cả những đóng góp đó đều được các cô giáo tận dụng để "dạy tiếng Việt", trang trí lớp học, bổ sung vào bữa ăn cho trẻ" - cô Mai cho biết.

Theo cô Mai, giáo viên của trường đã đến từng gia đình. Không chỉ vận động trẻ đến trường, các cô giáo trò chuyện với cha mẹ các bé để động viên họ "tăng cường nói chuyện bằng tiếng Việt với trẻ", hướng dẫn họ chú ý tập cho con các kỹ năng tốt.

"Chúng tôi mời cả phụ huynh đến trường tham gia các hoạt động cùng cô, trò. Đó là cách để họ cùng chúng tôi giáo dục học sinh, đồng thời cũng là cách để họ nhìn thấy thay đổi của ngôi trường, tin tưởng đưa con đến lớp để học, chứ không chỉ để hưởng tiền chính sách" - cô Mai nói.

Các giáo viên trong phần giao lưu tại chương trình - Ảnh: V.H.

Lớp học khó khăn thành "lớp học trong mơ"

Cũng chia sẻ về kinh nghiệm biến các trường, lớp học khó khăn thành "lớp học trong mơ" của nhiều đứa trẻ vùng khó, một số cán bộ quản lý tại buổi tôn vinh cũng kể về các kinh nghiệm, những trăn trở để vượt khó của mình.

Tận dụng mọi vật dụng từ cuộc sống, trong đó có phế liệu để làm đồ dùng sử dụng trong hoạt động vui chơi, hoạt động học, thông qua đó rèn các kỹ năng cần thiết nhất cho trẻ là những sáng tạo bất ngờ, thú vị của các cô giáo được chia sẻ trong buổi lễ giao lưu, tôn vinh.

Quá trình khắc phục khó khăn cũng là cơ hội để các trường biết huy động chất xám, sự khéo léo, thông minh của mỗi giáo viên trong việc tự làm đồ dùng dạy học, vận động cha mẹ học sinh giúp sức để cùng thay đổi ngôi trường cho con trẻ.

Ví dụ có những trường sử dụng toàn bộ vỏ hộp sữa học đường để tạo thành các mô hình đồ chơi. Ở Trường mầm non Nguyễn Thế Hùng (Bến Tre), theo cô giáo Phan Thị Quỳnh Mai, các vật dụng bằng nhựa được tái sử dụng để tránh thải rác. Các cô giáo sáng tạo rất nhiều mô hình có ý nghĩa. Ví dụ như những thùng nhựa được thiết kế thành đồ chơi liên hoàn tạo dòng nước chảy, để trẻ có ý niệm về dòng chảy.

Hay ở Trường mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), các cô giáo đã "mang cuộc sống" vào trong trường, trong lớp học. Có cả góc leo núi cho trẻ trong phòng học rất an toàn, hay các bộ vận động thông minh. Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, trường không để một không gian chết nào, mà tận dụng toàn bộ để tạo nên không gian vui chơi, học tập, trải nghiệm.

Muốn làm điều đó trông đợi rất nhiều vào tâm huyết, óc sáng tạo, khéo léo của các cô giáo mầm non.

Tại buổi lễ, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã điểm lại kết quả giáo dục mầm non cả nước, trong đó có việc hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tăng cường mạng lưới trường lớp mầm non trên cả nước, đặc biệt ở các vùng khó khăn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ vinh danh giáo viên mầm hon tiêu biểu

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng nhắc đến những đáng tiếc xảy ra ở lĩnh vực giáo dục mầm non khiến xã hội nhìn nhận tiêu cực hơn về công việc giáo dục mầm non. Nhưng ông khẳng định trên thực tế, bên cạnh những bất cập cần phải khắc phục, vẫn luôn luôn có nhiều tấm gương nhà giáo hi sinh thầm lặng.

Họ có thể là những người bám trụ ở các thôn, bản, có thể là những người đang đảm nhiệm công việc ở các thành phố, nơi có nhiều áp lực về sĩ số học sinh, về điều kiện làm việc quá tải. Tâm huyết là yếu tố giúp họ ở lại với nghề, với trẻ, dám nghĩ, dám làm để biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, biến khó khăn thành động lực hành động.

Trong đợt tôn vinh lần này, có 127 nhà giáo được chọn trên tổng số hơn 400.000 giáo viên mầm non của cả nước. Trong đó, khá nhiều giáo viên đến từ các vùng khó khăn, ở các điểm cực Bắc, cực Nam của đất nước. Họ là những ngọn đèn thắp sáng ở trên 15.000 trường mầm non với hơn 200.000 nhóm, lớp.

 

Thấp thoáng những tâm tư

Bên cạnh những chia sẻ về nghề, về sự sáng tạo trong dạy học, vẫn thấp thoáng những tâm tư. Số tiền lương ít ỏi, mức sống bấp bênh của giáo viên hợp đồng tỉ lệ nghịch với chặng đường mà nhiều cô giáo phải đi bộ, đi xe máy vượt đèo đến trường, tỉ lệ nghịch với những áp lực nặng nề mà họ phải gánh lấy. Nhưng nhiều giáo viên tại buổi lễ đều chia sẻ về việc sẽ gắn bó. Theo một cô giáo thì "càng gắn bó sẽ càng yêu trẻ, và khi thực sự yêu trẻ như con thì sẽ không rời xa công việc".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay239
  • Tháng hiện tại2,531
  • Tổng lượt truy cập166,364
headerleft
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính